Cập nhật vào 23/11
Tháng 3, nhiều người cho là cái tháng mà Đà Lạt đẹp nhất. Đẹp bởi cảnh sắc thiên nhiên, đẹp bởi những màu hoa dành riêng cho sự ngọt ngào của những ngày xuân xinh xắn. Tháng 3 Đà Lạt đẹp như đôi tình nhân trẻ tíu tít bên những vui tươi và mơn mởn của đất trời.
Cũng bởi vậy mà đi du lịch Đà Lạt tháng 3 hấp dẫn hơn bao giờ khi thành phố ngập sắc màu phượng tím, mai anh đào tươi tắn, cẩm tú cầu lạ mắt làm vui lòng mọi du khách yêu cái đẹp, cái lạ.
Đà Lạt tháng 3 ngọt ngào sắc hoa phượng tím
Cứ vào tầm tháng 3 đến cuối tháng 4 thì các con đường lớn nhỏ quanh Đà Lạt đều được nhuộm tím bởi những hàng phượng. Và cũng chính cái màu tím lung linh, dịu dàng ấy đã làm nên một điều đặc biệt cho thành phố vốn nổi tiếng là xứ sở ngàn hoa. Bởi chỉ có ở vùng cao nguyên này, ở nơi có khí hậu mát mẻ và se lạnh ấy mới có thể làm nơi sinh sống cho loài hoa mỏng manh kia.
Từ tháng 3 đến giữa tháng 5, sắc hồng của mai anh đào nhường chỗ cho phượng tím – loài hoa gắn liền với những bản tình ca bất hủ của Đà Lạt. Như để bù trừ cho mai anh đào năm nay lỡ hẹn, phượng tím ùa về gom thêm nét đẹp mộng mơ của phố núi trước khi bước vào hè.
Như nhiều người, tôi thích Đà Lạt. Nơi ấy là nơi tôi bắt đầu chuyến đi du lịch một mình đầu tiên. Sau Đà Lạt, tôi tự mình đi thêm nhiều nơi khác nhưng bao giờ cũng thế, tôi luôn nhớ về Đà Lạt như một nói quen, một thói quen khi Hà Nội có những ngày tháng 3 trở rét.
Ấn tượng về tháng 3 của Đà Lạt sâu sắc trong tôi là phượng tím. Giữa muôn vàn loài hoa quý của Đà Lạt, một màu phượng tím trở nên rất đặc trưng và duyên dáng, ngọt ngào đến tận đáy tâm hồn. Lần đầu nhìn thấy lạ, lần sau nhìn thấy thích thích, lần sau nữa nhìn thấy liền yêu và cứ thế mãi về sau nhớ nhung như nhớ người tình cũ.
Có thể bạn quan tâm:
Tôi không dùng màu tím để hình dung về Đà Lạt dù khi ấy tôi tới nơi đây một mình, lòng có chút buồn dìu dịu. Trong mắt tôi, Đà Lạt luôn là màu hồng của tình yêu, màu xanh của sắc thông tràn trên những con đèo ôm lấy núi. Nhưng màu phượng tím “ám ảnh” vô cùng. Nó lan vào trí nhớ, đan xen trong những mảng màu khác về Đà Lạt. Màu tím của phượng không buồn. Màu tím không cô đơn. Tôi gọi đó là màu tím lạ.
Màu tím của Đà Lạt tháng 3 rơi rơi trên thềm đường, phủ lên khung trời xanh mây trắng. Duyên dáng bóng Thanh Thủy dìu dịu bên hồ Xuân Hương. Được biết, khách sạn Thanh Thủy mỗi mùa đều chọn một tone màu chủ đạo. Tháng 3 năm ấy, Thanh Thủy chọn màu tím.
Tôi ở Đà Lạt chừng 4 ngày, đi tới những nơi mà mọi người thường tới. Còn lại dành thời gian để trầm ngâm trong một ban công café nào đó. Thời tiết Đà Lạt khi ấy đẹp lắm. Tôi tôi mang quần áo vừa vặn cho cái lạnh nơi đây. Thêm chiếc khăn len mỏng được gã bạn thân mua tặng, tôi tận hưởng Đà Lạt một cách rong chơi riêng mình.
Đà Lạt tháng 3 cũng có những ngày mưa. Cơn mưa đầu mùa mỏng mảnh và nhẹ nhàng, đến rồi đi để người ra có những phút chậm lại quan sát phố phường. Mưa ngớt, thời tiết trở nên dễ chịu hơn bất cứ lúc nào. Mọi thứ sạch sẽ tinh tươm và mát mẻ, cảm giác như chung quanh là một luồng không khí mới, ngọt ngào và dễ chịu.
Một ngày tháng 3 Đà Lạt dường như có cả 4 mùa. Sáng, trời hơi lạnh. Trưa, trời hửng nắng. Chiều, mưa nhè nhẹ. Tối về lạnh thêm một chút chút, chùm chăn bông ngủ sướng vô cùng. Tôi ở Đà Lạt ngủ ngon như một đứa trẻ. Đi ngủ thật sớm và làm một mạch tới tận sáng hôm sau. Một ngày Đà Lạt được bắt đầu tràn đầy năng lượng.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn không nhớ ra vì sao tháng 3 tôi lại tới Đà Lạt. Chỉ nhớ rằng tôi quyết định đi và đặt vé máy bay, chuẩn bị hành lý chỉ trong vài ngày, không hề có một kế hoạch trước, cũng chẳng có kinh nghiệm gì với những chuyến đi độc lập. Có thể xem nó là sự liều lĩnh đầu tiên trong đời. Cái sự liều lĩnh với một kết quả ngọt ngào giản dị mà Đà Lạt dành cho tôi, dành cho cô gái nhỏ của Hà Nội.
Nguồn gốc hoa phượng tím Đà Lạt
Phượng Tím có tên khoa học là Jacaranda Acutifolia với cánh hoa màu lam tím dịu dàng, bí ẩn có nguồn gốc từ Nam Mỹ, sau đó được di thực sang một số nước châu Âu; thường được trồng để làm đẹp đường phố, công viên.
Bạn có biết hoa phượng tím vốn dĩ không phải là một loài cây tự nhiên của Đà Lạt không? Phượng tím là loài hoa có xuất xứ từ Nam Mỹ, du nhập vào thành phố Đà Lạt từ những năm 1960. Một vị kỹ sư chuyên nghiên cứu về hoa – kỹ sư canh nông Lương Văn Sáu (ông còn là Hội viên của Hội hoa hồng nước Pháp) đã đích thân mang hạt giống của loài hoa có màu tím đặc trưng, xuất xứ từ vùng Châu Mỹ này về Đà Lạt trồng. Nhưng thời gian đầu chẳng có mấy ai để ý đến, cho đến khi chúng đậu được những nụ hoa màu tím dễ thương, nho nhỏ và nở thành từng chùm xum xuê, tô điểm cho những góc phố nhỏ của Đà Lạt thì mới được biết đến và sau đó được mang đi trồng nhân rộng khắp thành phố ngàn hoa như bây giờ.
Một vài kinh nghiệm du lịch Đà Lạt tháng 3 ngắm hoa phượng tím
Phượng tím được trồng quanh hồ Xuân Hương, lối vào chợ Đà Lạt, trong thung lũng Tình yêu, công viên hoa Đà Lạt, Thiền viện Trúc Lâm, đường Hai Bà Trưng, Trần Phú, Bùi Thị Xuân, Dốc Đá… Địa điểm được nhiều người “săn hoa” tìm đến nhất là cây phượng cổ thụ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai.
Một trải nghiệm không nên bỏ qua là ngắm loài hoa này từ các quán cà phê trên đường Nguyễn Chí Thanh, song song đường Nguyễn Thị Minh Khai. Nếu đi Đà Lạt dịp cuối tuần, bạn nên đặt trước phòng vì lượng khách thường tăng cao.
Hoa phượng tím kéo dài đến tháng 4 nhưng cuối tháng 3 vẫn là thời điểm hoa nở đẹp nhất. Bởi vậy lên lịch trình sớm cho mình để được “đốn tim” bởi sắc tím hoa phượng giữa Đà Lạt những ngày tháng 3 ngay nhé.
Nhiệt độ ở Đà Lạt tháng 3 vào khoảng 13-26 độ C, tiết trời dễ chịu. Đà Lạt vè đêm khá lạnh bởi vậy không thể thiếu những chiếc áo khoác bạn nhé.
“Săn” mai anh đào Đà Lạt tháng 3
Dù đã hủy lễ hội hoa mai anh đào Đà Lạt 2017 vì hoa không nở rộ như mọi năm nhưng loài hoa ngoại nhập này vẫn đủ sức đốn tim những người yêu màu hồng khi du lịch Đà Lạt tháng 3 này.
Vào tháng 3, người dân thành phố và những người yêu mến Đà Lạt “mừng rơi nước mắt” vì cuối cùng mai anh đào đã bắt đầu nở, không phụ lòng những du khách ngàn dặm xa xôi đến với thành phố cao nguyên.
Những địa điểm có nhiều hoa mai anh đào ở Đà Lạt là xung quanh hồ Tuyền Lâm, đường Trần Hưng Đạo, con đường dốc Đa Quý, gần big C. Đường Lê Đại Hành ngay trung tâm thành phố, ven hồ Xuân Hương và Thiền Viện Trúc Lâm cũng là nơi được mọi người tìm tới.
Ngoài việc tham quan những địa điểm vui chơi nổi tiếng ở Đà Lạt, đừng bỏ qua những con đường thắm sắc hồng của loài hoa mang tên mai anh đào. Với sự tươi trẻ pha lẫn chút hoang dại của những cánh hoa mai anh đào sẽ mang lại cho bạn cảm giác vui tươi, nồng nàn, hấp dẫn khó tả trong không khí se lạnh của Đà Lạt những ngày mùa xuân.
Cánh đồng hoa cẩm tú cầu Đà Lạt – Địa điểm du lịch tháng 3 đang gây sốt
Du lịch Đà Lạt đã thu hút nay càng được yêu thích hơn bởi cánh đồng hoa cẩm tú cầu đẹp lung linh, hứa hẹn là địa điểm du lịch đầu năm hot nhất. Nơi đây hấp dẫn đến mức nhiều người cho rằng đã đến thành phố ngàn hoa thời gian này mà không ghé qua cánh đồng hoa cẩm tú cầu Đà Lạt thì thà ở nhà còn hơn.
Những cánh đồng hoa Cẩm Tú Cầu không chỉ là địa điểm hấp dẫn các cặp đôi đến Đà Lạt vào dịp valentine, hay ngày 8/3, nó còn là dịp để các cặp đôi trẻ đến thưởng thức mỗi khi có dịp khi hoa nở.
Đường đi cánh đồng hoa cẩm tú cầu ở Đà Lạt? Vào cánh đồng hoa có mất phí không? Cẩm tú cầu nở trong bao lâu? đều là những điều bạn nên tìm hiểu nếu muốn tới đây săn tìm những bức ảnh lung linh khiến ai ai cũng phải trầm trồ.
Đường đi tới cánh đồng hoa cẩm tú cầu ở Đà Lạt
Cánh đồng hoa cẩm tú cầu Đà Lạt được nhiều người biết đến này tọa lạc tại huyện Lạc Dương thuộc khu vực Trại Mát, phường 11, thành phố Đà Lạt, bên cạnh tỉnh lộ 723 tuyến đường nối thành phố Đà Lạt và Nha Trang.
Từ trung tâm thành phố, chỉ cần đi thẳng Quốc Lộ 20 (đường Trần Hưng Đạo). Sau đó, rẽ vào đường Trần Quý Cáp, tiếp đó rẽ phải vào đường Phan Chu Trinh rồi cứ đi thẳng hướng hồ Than Thở sẽ ra được tỉnh lộ 723. Từ chùa Linh Phước, bạn chạy xe thẳng đường nhựa thêm 1 km rồi rẽ trái là tới. Mất khoảng 40 phút nếu chạy xe máy cho quãng đường dài 15km này.
Nguồn gốc cánh đồng hoa cẩm tú cầu ở Đà Lạt
Cứ mỗi dịp đầu năm, dân phượt hay những bạn trẻ mê du lịch, chụp ảnh lại rủ nhau về Đà Lạt để hòa mình vào khu vườn cẩm tú cầu cực lạ mắt và bị cuốn hút bởi chỉ ở đây người ta mới thấy sắc hoa tươi tắn, tròn đầy và quyến rũ nhất của loài hoa ngoại nhập này.
Cẩm tú cầu còn có tên gọi khác là Dương Tú Cầu hay Dương Tử là loại hoa có nguồn gốc từ Paris, những cây hoa đầu tiên được người Pháp mang qua trồng tại cao nguyên Đà Lạt.
Cẩm tú cầu là cây thân mộc, hoa vô tính, lúc đầu hoa màu trắng sau biến dần thành màu lam hay màu hồng, màu hoa phụ thuộc vào độ pH của thổ nhưỡng. Màu xanh dương phớt nhạt của cẩm tú cầu và mọc theo chùm tròn xoay đã biến giống hoa ngoại nhập này trở nên đặc biệt.
Cũng chính vì những người Pháp đã nghiên cứu về khí hậu của cao nguyên Đà Lạt mát mẻ phù hợp cho loài hoa này phát triển nên họ đang mang giống hoa đặc biệt này tới trồng và có thể nói đây là địa điểm vô cùng ưa thích để cẩm tú cầu phát triển.
Hoa cẩm tú cầu nở rộ vào mùa xuân và mùa hè. Hiện tại (tháng 2 dương lịch), hoa cẩm tú cầu ở Đà Lạt đã nở rộ tạo nên cảnh đẹp thơ mộng. Những bộ ảnh chụp mới lạ, siêu đẹp với hoa cẩm tú cầu cũng được khách du lịch chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. Chính bởi vậy mà lượng du khách tới đây săn ảnh ngày càng nhiều.
Trước đây, các tín đồ du lịch cũng từng mê mẩn vườn hoa cẩm tú cầu trên đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) nhưng số lượng hoa không được nhiều và bát ngát như cánh đồng cẩm tú cầu của Đà Lạt. Cánh đồng này rộng hơn 2 hecta với những khóm hoa xanh gom góp từ triệu bông hoa nhỏ xinh khiến nhiều người xiêu lòng, càng ngắm lại càng thấy đẹp. Tất cả hoà quyện lại và tạo nên một khung cảnh vô cùng nên thơ như trong truyện cổ tích.
Trước đây cẩm tú cầu Đà Lạt không được trồng theo quy mô mà chỉ dưới hình thức nhỏ lẻ, hoa trồng làm cảnh trước nhà hoặc trồng dọc theo ven đường. Ngày nay do nhu cầu sử dụng hoa cưới nhiều mà đặc biệt hoa cẩm tú cầu lại là một loại hoa dùng để trang trí rất đẹp mà cẩm tú cầu được trồng ngày càng nhiều ở xứ cao nguyên ngàn hoa này.