Cập nhật vào 14/01
Huế, Nghệ An, Bình Định là những nơi có nhiều lễ hội Tết ở miền Trung. Nếu bạn chưa từng được chứng kiến lễ hội cầu Ngư hay tham gia không khí tưng bừng của hội đấu vật, đi khai hội Vía Bà… thì chưa thể coi là đã đến miền Trung vào dịp Tết.
Bạn băn khoăn Tết đi chơi đâu ở miền Trung? Miền Trung có nhiều lễ hội diễn ra trong Tết Nguyên Đán. Những lễ hội dưới đây là những địa điểm du xuân đầu năm bạn nên đi nhất.
Huế: Hội vật làng Sình (mùng 10 tháng Giêng)
Lại Ân còn gọi là làng Sình, nằm bên hữu ngạn sông Hương, ở hạ lưu ngã ba Sình, trước thuộc huyện Tư Vinh hay tổng Mậu Tài, nay là xã Phú Mẫu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hội vật làng Sình diễn ra vào ngày 9 – 10 tháng Giêng. Ngoài yếu tố tâm linh truyền thống, lễ hội còn là một hoạt động vui, khoẻ đầy tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khoẻ, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí, nhất là với lớp trai trẻ.
Cùng với xới vật chính, đêm hôm trước và suốt ngày hội, khắp nơi trong làng các quán hàng ăn: bún bò, bánh bèo, bánh nậm, bán bột lọc, cháo lòng, bánh canh, chè… Các gian trò chơi cũng thu hút đông đảo khách chơi xuân. Cho đến khi tắt nắng, cuộc vui mới chịu dừng. Và, hôm sau mọi việc trở lại nhịp đời thường. Một năm làm lụng mới lại bắt đầu.
Để tìm hiểu cụ thể hơn về hội vật làng Sình mời bạn tham khảo trong bài viết: Những lễ hội nổi tiếng tại Huế dịp Tết.
Huế, Nghệ An: Lễ hội cầu Ngư
Lễ hội cầu Ngư ở Huế: 12 tháng Giêng
Lễ hội cầu Ngư của nhân dân làng Thái Dương hạ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch hằng năm, để tưởng nhớ vị thành hoàng của làng là Trương Quý Công (biệt danh của Trương Thiều), người gốc Thanh Hoá có công dạy cho dân nghèo đánh cá và buôn bán ghe mành. Thường cứ ba năm một lần, làng tổ chức đại lễ rất linh đình, có tổ chức các trò mô tả những sinh hoạt của nghề đánh cá, trong đó có “bủa lưới” mang ý nghĩa trình nghề, khắc họa đậm nét nghi lễ dân gian của cư dân vùng ven biển.
Lễ hội cầu Ngư ở vùng ven biển Nghệ An: tháng Giêng
Hàng năm cứ vào tháng 1 âm lịch, với tấm lòng thành kính dâng lên các vị thần linh đã che chở cho mình trong những chuyến vươn khơi, ngư dân vùng ven biển Nghệ An lại tưng bừng tổ chức lễ hội Cầu ngư cầu một năm mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang.
Trong tâm linh của người dân miền biển lễ hội Cầu ngư chiếm một vị thế vô cùng quan trọng. Bởi hơn ai hết họ hiểu được sự nguy hiểm luôn rình rập nơi biển cả mênh mông ngàn sóng dữ trong mỗi chuyến vươn khơi. Bởi thế trước khi vươn khơi, ngư phủ nào cũng cố gắng sắp xếp thời gian dâng nén hương thơm để cầu cho bản thân và gia đình được che chở. Lễ hội Cầu ngư đã trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa của người dân miền biển nơi đây. Năm sau lại được tổ chức linh đình hơn năm trước.
Lễ hội Cầu Ngư gồm có 2 phần chính: Phần lễ bao gồm lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ cầu Ngư, lễ đại tế, lễ tạ tại các điểm rước kiệu. Phần hội bao gồm các hoạt động văn hóa văn nghệ, các trò chơi dân gian và hai đoàn rước kiệu.
Xem thêm những lễ hội khác được diễn ra trong năm của miền Trung tại: Khám phá các lễ hội miền Trung
Nghệ An: Lễ hội Đền Vua Mai (mùng 3 – 5 Tết)
Những ngày đầu xuân (từ mùng 3 đến mùng 5 Tết), du khách thập phương lại về khu lăng mộ Vua Mai (núi Đụn Sơn, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn) tham dự lễ hội đền Vua Mai – lễ hội tổ chức thường niên nhằm tưởng nhớ công đức Vua Mai Hắc Đế. Ngài tên thật là Mai Thúc Loan, sinh ra và lớn lên tại xã Đông Liệt, nay là xã Nam Thái (huyện Nam Đàn, Nghệ An).
Đây là lễ hội truyền thống với nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc và nhiều tiết mục mang đậm bản sắc văn hoá xứ Nghệ như: đấu vật, chọi gà, đua thuyền, leo núi, bắn nỏ, lễ rước…
Bình Định: Lễ hội Vía Bà, Lễ hội Đống Đa
Lễ hội Vía Bà (17 tháng Giêng)
Lễ hội Vía Bà khai hội từ ngày 17 tháng Giêng hằng năm tại Miếu Bà (thôn Liêm Định, xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn).
Ngoài phần tế lễ, dâng hương, còn có phần trình diễn đội rồng, đội lân trực khai phần xướng hát lễ. Phần hội diễn ra sôi nổi với biểu diễn võ thuật của Câu lạc bộ võ cổ truyền thị xã An Nhơn, các trò chơi dân gian kéo co, đẩy gậy, đập ấm, nhảy bao bố, chạy việt dã, thi đấu bóng chuyền và xem hát tuồng.
Lễ hội Đống Đa (mùng 4 – 5 tháng Giêng)
Lễ hội Đống Đa – Tây Sơn là dịp tưởng nhớ công tích lẫy lừng của các thủ lĩnh phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa. Lễ hội diễn ra từ mùng 4 đến mùng 5 tháng Giêng âm lịch, tại Bảo tàng Quang Trung, thị trấn Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định.
Ngoài nghi lễ truyền thống, lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian như biểu diễn võ thuật và trống trận Tây Sơn, đua thuyền, trò chơi dân gian, hát tuồng… thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.