Đăng bài - Hoặc quảng cáo vui lòng liên hệ TVN Group - hệ thống website chất lượng cao:

0972434351tvnseos@gmail.comZalo

Những lễ hội đặc sắc tại Huế dịp Tết

0

Cập nhật vào 20/09

Nếu du lịch Huế dịp Tết hay có cơ hội đến Huế thời điểm này thì những lễ hội lớn tại Huế sẽ cho bạn thấy nét đẹp trong văn hóa truyền thống dịp đầu năm trên đất cố đô.

Có những lễ hội nào diễn ra tại Huế dịp Tết? Đón năm mới nơi đây sẽ không buồn như nhiều người hình dung chính bởi những lễ hội lớn đặc sắc tại Huế thời điểm này.

1. Hội chợ xuân Gia Lạc: Mùng 1,2,3 Tết

Lễ hội ở Huế dịp Tết Nguyên Đán 2017 không thể thiếu hội chợ xuân Gia Lạc. Chợ xuân Gia Lạc ở xã Phú Thượng (H.Phú Vang, Thừa Thiên Huế), cách trung tâm TP.Huế chừng 3 km. Khác với những phiên chợ bình thường khác, chợ Xuân Gia Lạc chỉ họp vào đúng 3 ngày Tết Nguyên Đán. Những người đi chợ không quan trọng việc mua bán lỗ lãi mà chỉ coi đây là một dịp đi du xuân, cầu may. Cũng bởi vì vậy mà nó phiên chợ có tên là Gia Lạc (có nghĩa là vui tươi).

Theo quan niệm của người dân đi chợ Gia Lạc đầu năm để cầu may mắn, đồng thời cũng là dịp để biết thêm những nét phong tục của xứ Huế. Trong ba ngày Tết thì ngày nào cũng đông người mua kẻ bán, những người ở thành phố cũng tìm về để hòa vào chợ phiên, khách du lịch rất thích thú muốn tìm hiểu về chợ phiên độc đáo này.

Chợ lập được từ thời Minh Mạng (1820-1840) do Ðịnh Viễn Công Nguyễn Phước Binh, con thứ tư của Gia Long thành lập năm 1926. Lúc đầu chợ chỉ họp nhóm trong giới hạn thân nhân nơi phủ đệ của ông nhằm trao đổi hàng hóa, vui chơi. Sau này, người dân quanh vùng cũng đến mua bán, thêm vào các trò chơi dân gian để thu hút mọi người và không khí trở nên náo nhiệt hơn. Từ đó, chợ Gia Lạc trở thành một hình thức hội chợ phiên vui xuân trong những ngày đầu năm mới.

Tham khảo thêm: Tết đi đâu chơi ở Huế – Chợ xuân Gia Lạc

Hội chợ xuân Gia Lạc - Huế ngày Tết

Hàng mua bán ở chợ Gia Lạc rất phong phú, thay đổi theo năm: từ những đồ gia dụng đến đồ chơi trẻ em, và cả đồ ăn thức uống. Ai có thứ gì muốn bán thì đem ra bán, từ đồ gia dụng hàng ngày như chén bát, cơi trầu, bộ chén ấm uống trà cũ, quả hộp, quần áo may sẵn đến đồ chơi trẻ em, bánh trái, hoa quả

Ngoài ra, trong phiên chợ còn có nhiều hoạt động văn hóa truyền thống thú vị đặc trưng của xứ Huế như chơi bài chòi, bài ghế, hò giã gạo, bài thái,…Dịp Tết đi chơi đâu ở Huế? Đây hẳn là một địa chỉ hấp dẫn không chỉ với người lần đầu đặt chân tới xứ Huế mộng mơ.

Trải qua nhiều biến động với thời gian, chợ phiên Gia Lạc đã có nhiều thay đổi từ hàng hóa đến các trò chơi dân gian ít dần đi. Tuy nhiên, chợ được mở bán vào những ngày đầu xuân đủ để thấy được nét riêng của văn hóa Huế và phong tục mua lộc đầu năm mới vẫn không bị mai một.

Xem thêm bài viết : Du lịch Huế có gì hấp dẫn?

Tham khảo thêm thông tin khác tại Lễ hội đặc sắc của người dân miền Trung

2. Hội vật Làng Sình: mùng 10 tháng Giêng

Được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm, Lễ hội đấu Vật làng Sình được tổ chức tại khu vực đình làng Lại Ân (còn gọi là làng Sình), xã Phú Mậu, huyện Phú Vang (TT-Huế) để cầu sức khỏe, bình an, mùa màng bội thu, cũng là dịp để giải trí ngày đầu Xuân và khuyến khích thanh niên rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm.

Hội vật Làng Sình: mùng 10 tháng Giêng

Những người già ở làng Sình kể lại, hội vật truyền thống của làng đã có lịch sử hơn 200 năm, và phát triển liên tục cho đến nay. Hội vật này khác hẳn với hội vật ở một làng quê khác, bởi người dân tổ chức hội vật như một hình thức giải trí đơn thuần sau những ngày tết chứ không vì mục đích tuyển chọn võ sĩ cho triều đình phong kiến lúc bấy giờ. “Lệ” làng cũng quy định, các đô vật dự đấu không nhất thiết phải là người địa phương, và bất kỳ khán giả nào cũng có thể được lên sới đấu vật. Ngoài giải Cạn dành cho chức vô địch, làng còn dành riêng một khoản tiền để thưởng cho tất cả những đô vật tham gia hội. Giải thưởng vô địch thường trang trọng hơn (cau trầu, rượu, đầu heo….). Có thể do điều kiện dự hội khá đơn giản, nên ngày xưa, cứ đến trước ngày làng mở hội vật, trai tráng khắp nơi theo nhau về làng Sình.

Hội vật làng Sình về cơ bản cũng áp dụng theo nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc, các đô vật muốn vượt qua vòng đấu loại phải giành chiến thắng trước 3 đối thủ, để giành chiến thắng, các đô vật phải đánh bại đối thủ của mình với đòn đánh làm cho đối phương “lấm lưng, trắng bụng” (nghĩa là một phần hoặc cả hai phần lưng của đối phương phải lấm đất, bụng ngửa lên trời). Nếu vượt qua vòng đấu loại, các đô vật sẽ bước vào vòng bán kết. Ở vòng bán kết, các đô vật phải vượt qua 1 đối thủ nữa mới lọt được vào vòng chung kết.

Thể thức thi đấu của hội vật Làng Sình theo thời gian cũng có nhiều thay đổi. Nếu như xưa kia, người chiến thắng của giải là người thắng mọi đối thủ thách đấu đến phút cuối thì ngày nay, hội vật chia ra làm các cặp thi đấu. Người đạt giải cao nhất là người chiến thắng ở trận đấu chung kết.

Võ đài đấu vật đầu xuân làng Sình - Huế

Võ đài là xới vật bằng đất bột, mỗi bề rộng chừng bốn năm sải tay, cao hơn một mét được dựng trước sân đình từ ngày hôm trước, mùng chín tháng giêng, bốn bề có dăng dây bảo vệ. Ngôi đình làng nằm bên bờ sông, cảnh quan thoáng đãng, sông nước hữu tình. Người xem vây quanh xới vật ngồi san sát bên nhau trên những mô đất, những bệ cấp bằng tre già đan kết lại trong khuôn viên đình rộng chừng 600m2. Các đô vật không đóng khố như ở Bắc mà mặc quần và quấn thêm một cán ngang lưng.

Hội vật làng Sình rất chú trọng tinh thần thượng võ vì thế các đô vật không được ra các đòn đánh nguy hiểm đến tính mạng như bẻ, vặn, khoá trái khớp, tấn công bằng đầu, bấm các huyệt, nắm tóc, tấn công vào hạ bộ, yết hầu, mắt…. Một nét độc đáo ở lễ hội làng Sình là tinh thần đồng đội ở các địa phương, một đô vật của làng nào bị thua sẽ có đô vật khác lên tiếp sức. Nếu để thua một trận các đô vật phải chờ đến năm sau mới “phục hận” được, vì thế các đô vật thường rèn luyện suốt năm, tu dưỡng đạo đức để chờ đầu xuân tham dự, tranh tài.

Hội vật Làng Sình ngoài yếu tố tâm linh như mong cho dân khỏe, làng yên, mùa màng tươi tốt, hạnh phúc đến với muôn người còn là một hoạt động vui, khỏe đầy tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí đối với lớp trẻ.

3. Lễ Hội Cầu Ngư ở Thai Dương Hạ (Huế): 12 tháng Giêng

Lễ Hội Cầu Ngư là hội của nhân dân làng Thái Dương hạ (xã Hương Hải, làng Thái Dương Hạ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế). Hội được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch để tưởng nhớ vị thành hoàng của làng là Trương Quý Công biệt danh của Trương Thiều, người gốc miền Bắc, có công bày cho dân nghề đánh cá và buôn bán ghe mành.

Lễ Hội Cầu Ngư ở Thai Dương Hạ (Huế): 12 tháng Giêng

Từ chiều 11 tháng Giêng, hai giáp Thượng và Hạ đã bắt đầu cúng đế. Đến khuya, một buổi tế “cầu an, cầu ngư” lại được cử hành. Một vị cao tuổi trong làng thông thạo nghi lễ đọc bản văn tế. Tất cả các chủ thuyền ăn mặc chỉnh tề áo dài đen, quần trắng, đầu chít khăn đỏ lần lượt vào làm lễ. Phía nữ giới có một đại diện. Người dân cúng dâng hương hoa phẩm vật tinh khiết. Riêng bàn thờ vị khai canh có bánh khoái và mật ong, hai phẩm vật đặc biệt mà ngài Trương Quí Công thích dùng lúc sinh thời. Đêm ấy, khắp nơi trong làng rộn ràng đèn hoa, pháo nổ.

Đến với Huế, bạn không nên bỏ qua những món ăn đặc trưng của người dân nơi đây, đặc biệt là những món ăn từ hến của xứ Huế

Hội này có lệ đặc biệt là cứ ba năm một lần tổ chức các trò diễn tả những sinh hoạt nghề biển. Tại sân đình người ta làm “trò bủa lưới”, diễn tả cách bủa lưới trên bờ. Ở mặt phía trước đình cách khoảng 100m có trình diễn trò “quệu, giạ xúc ruốc”, diễn tả cảnh dùng lưới đan trên hai thanh tre chéo trước mũi thuyền đi xúc. Vào lễ, một ông chấp lệnh sau khi van vái cho dân làng được mạnh khỏe, làm ăn thịnh vượng, cầm khăn đỏ lót dùi trống đánh ba hồi khai mạc buổi lễ. Ngoài sân đình, một vị cao tuổi mặc lễ phục tiến vào, đi kèm có hai chủ thuyền đầu bịt khăn đỏ, trang phục theo nghề nghiệp cùng vào lễ, nhưng hai vị này vái lạy lung tung khắp mọi phía, làm đủ mọi điệu bộ khôi hài cốt để gây cười. Một hồi trống lệnh gióng lên, các vị hành lễ đứng về một phía. Trên bàn thờ tổ, một vị cao niên tung tiền và phẩm vật cúng xuống sân đình cho các em tranh nhau vào nhặt. Cùng lúc đó, đám chủ thuyền khiêng một cái ghe mành cốt bằng tre, đan chắc chắn, phết giấy đỏ trên có một người ngồi, tiến vào sân đình chạy quanh đám trẻ. Lưới trên truyền được bủa vây lấy đám trẻ thành vòng tròn, càng lúc càng thu hẹp, thuyền được khiêng chạy vòng tròn trong tiếng pháo tưng bừng nổ. Giai đoạn “bủa lưới nậu lưới” tiếp diễn sôi nổi. Các đứa trẻ tượng trưng cho đàn cá đang ăn mồi cố tìm cách thoát ra khỏi lưới. Các chủ thuyền người thì hụ “cá”, người thì ngoắc “cá” cố hết sức giữ không cho “cá” thoát lưới. Khi vòng tròn được thu nhỏ lại, các chủ thuyền vào bắt một vài “con cá” đem lên bàn cúng Thành Hoàng.

Lễ Hội Cầu Ngư ở Thai Dương Hạ (Huế): 12 tháng Giêng

Lễ xong, một số “cá” được gánh trong trạc đưa ra bờ biển để rửa nước muối, một số cá được đem bán. Các người mua “cá” (trước kia do nam giới hóa trang mặc áo hai lớp, trong đỏ, ngoài lục, đeo bông tai) đến trả giá, mặc cả ồn ào như buổi bán cá thực sự. Đó là nghi lễ làm trò ruỗi bộ (bán cá trên đường). Các chủ thuyền “bán cá” xong kéo nhau vào một địa điểm (có thể là sân chùa hoặc trước một miếu thờ cạnh đình) để “chia tiền cá”. Họ cũng bàn tán ồn ào. “Chia tiền bán cá” xong kể như lễ tất. Mọi người tụ tập ở bờ phá để xem để xem đua trải.

Trò diễn “làm trò bủa lưới” là một hình thức “hèm” để tưởng nhớ đến sự nghiệp của vị Thành Hoàng của làng. Vì thế có thể cho đây là trò diễn trình nghề đậm đà tính chất lễ nghi.

Theo mientrungdep.net

Giúp chúng tôi đánh giá bài viết này
Share.

Comments are closed.